[Kiến Thức] Các Chất Bổ Sung (Kích Thích) Thường Gặp Trong Quá Trình Tập Luyện Thể Thao

Nam N. Phung
Đăng ngày 29/09/2020
1,418 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Chạy bộ là một môn thể thao phải tập luyện theo từng bước một và phải dựa vào quá trình cố gắng liên tục mới đạt được thành tựu nhất định. Tuy nhiên trong phạm vi cho phép, bạn có nghĩ đến sẽ sử dụng chất bổ sung thể thao khi tập luyện hay thi đấu không? Hay nói một cách rộng hơn, ngoài thực phẩm tự nhiên, chất bổ sung thể thao còn bao gồm thực phẩm hoặc thuốc nhân tạo, có ích cho việc tập luyện, phục hồi hoặc tăng hiệu suất trong khi thi đấu, đồng thời còn có tác dụng làm chậm sự mệt mỏi, tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện khả năng chịu đựng ở cường độ cao. Các chất bổ sung thể thao thường gặp là BCAA, caffeine, creatine, ...

Nhưng điều này làm nảy sinh hai câu hỏi về sức khỏe và đạo đức. Việc sử dụng các chất bổ sung này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Hay có thể sử dụng những chất bổ sung này khi thi thi đấu không? HLV sức bền nổi tiếng người Mỹ Joe Friel đã cung cấp một số kiến thức về các vấn đề liên quan đến chất bổ sung thể thao trong sách của mình để chia sẻ với các vận động viên.

Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu học thuật của trường đại học đã hỏi một nhóm vận động viên ưu tú rằng: "Nếu có một loại thuốc có thể đảm bảo cho bạn một tấm huy chương vàng trong kỳ Thế Vận Hội tiếp theo, nhưng bạn sẽ chết trong vòng 5 năm sau khi uống, bạn có dùng nó không?". Thật đáng kinh ngạc khi câu trả lời áp đảo là: "Có!"

Thái độ thể thao này đã khiến các vận động viên không ngừng sử dụng các chất steroid tổng hợp, erythropoietin (EPO), amphetamine, các chất bổ sung nguy hiểm và bị cấm khác nhau. Một số vận động viên đã chết sau khi dùng thuốc cấm để theo đuổi thành tích thể thao xuất sắc. Một vài vận động viên khác đốt tiền vào các sản phẩm không hiệu quả hơn giả dược và không được kiểm chứng khoa học.


Chạy bộ là một môn thể thao phải tập luyện theo từng bước và đòi hỏi phải rèn luyện liên tục. Liệu việc sử dụng chất bổ sung có phù hợp với đạo đức thể thao không? (Nguồn ảnh: 123RF)

Sẽ không có một viên thuốc thần kỳ nào có thể đảm bảo huy chương Olympic, thậm chí không thể đảm bảo thành tích tốt hơn việc tập luyện. Tập luyện và thói quen ăn uống tốt vẫn là yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành tích thể thao xuất sắc. Tuy nhiên, ngoài chế độ ăn uống thông thường, vẫn có một số sản phẩm hiệu quả được các nhà khoa học tìm thấy. Nhưng cần hiểu rằng hầu hết mọi nghiên cứu khoa học thường có những kết quả trái ngược nhau. Ngoài ra, không phải tất cả các chất bổ sung thể thao đều có tác dụng như nhau cho tất cả mọi người. Các chất bổ sung thể thao sẽ biểu hiện khác nhau ở mỗi người, cũng giống như chu trình tập luyện của từng cá nhân vậy. Một số chất bổ sung tiêu biểu sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo của bài viết này.

Trước tiên, hãy cùng đánh giá các chất bổ sung tập thể dục, sau đó quyết định xem nó có đáng để thử hay không. Trước khi quyết định sử dụng bất kỳ chất bổ sung thể thao nào, bạn nên trả lời năm câu hỏi sau:

Liệu nó có hợp pháp không? 

Mặc dù một số sản phẩm có chứa chất cấm nhưng chúng vẫn thường được bán trên thị trường cho các vận động viên. Đã có rất nhiều ví dụ về điều này, vì sự tin tưởng mù quáng vào những sản phẩm này đã khiến nhiều VĐV bị loại khỏi cuộc thi, hay tệ hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Nếu bạn muốn xác nhận một sản phẩm cụ thể, vui lòng gọi cho Đường dây nóng về dược phẩm của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ (800) 233-0393 hoặc trang web của Tổ chức Chống Ma túy Thế giới www.wada-ama.org để biết thêm về danh sách các chất cấm.

Liệu Có Trái Đạo Đức?

Chỉ bản thân bạn mới có thể trả lời câu hỏi này. Một số người tâm niệm rằng thi đấu phải được tiến hành dưới hình thức thuần túy nhất, tức là hoàn toàn không có bất kỳ sự trợ giúp nhân tạo nào. Nhưng nếu bạn thực sự nghĩ về nó, những thực phẩm bổ sung thể thao chính xác là gì? Các chất bổ sung như glycogen, vitamin và khoáng chất cũng bao gồm trong đó? Bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn khi phải phân biệt rạch ròi ranh giới giữa các chất này.

Liệu Nó Có An Toàn Khi Sử Dụng?

Nghiên cứu về tính hiệu quả của nhiều chất bổ sung thể thao thường bị giới hạn trong vài tuần, bởi vì hầu hết các đối tượng thử nghiệm không muốn cống hiến cả đời mình cho khoa học. Nhưng với một quá trình nghiên cứu quan sát ngắn hạn như vậy có thể không phản ánh được kết quả khách quan sau khi sử dụng lâu dài. Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khi sử dụng nhiều chất bổ sung cùng một lúc hoặc kết hợp với các loại thuốc lại với nhau. Một lý do phức tạp khác là Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định về tính an toàn của các chất bổ sung dinh dưỡng lỏng lẻo hơn so với thực phẩm. Vì vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng các loại chất bổ sung thể thao này, vì sức khỏe cá nhân và tiền sử bệnh di truyền có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn.

Nó Có Được Bảo Trợ Bởi Các Nghiên Cứu Uy Tín?

Tính hiệu quả của một số sản phẩm có thể chỉ được một nghiên cứu xác nhận, nhưng liệu một lượng lớn các tài liệu học thuật khác có đồng ý với quan điểm này không? Bạn có thể tìm các tạp chí nghiên cứu khoa học bằng cách truy cập trang web PubMed: www.ncbi.nlm.nih.gov/PubMed/ (chú thích: Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia), nhập các thành phần bạn quan tâm, và chọn "Tìm kiếm", sau đó tên và tóm tắt của các nghiên cứu sẽ được liệt kê ra. Bạn có thể "tận hưởng" niềm vui nếu thấy được có hàng nghìn dữ liệu nghiên cứu về loại chất bổ sung đó. Bạn nên tham khảo ý kiến của huấn luyện viên dày dặn kinh nghiệm và đáng tin cậy, chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế để biết thêm thông tin về sản phẩm mà bạn không quen thuộc.

Nó Có Giúp Ích Cho Quá Trình Thi Đấu?

Ngay cả với sự hỗ trợ của nghiên cứu học thuật, không phải tất cả các chất bổ sung thể thao đều mang lại hiệu quả trong khi thi đấu. Có nhiều nhân tố riêng lẽ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một sản phẩm cụ thể hoặc nó có thể không mang lại kết quả tốt do sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, các loại thuốc khác bạn đang dùng và số năm tập thể dục. Một số chất bổ sung có tính chất sử dụng cụ thể, ví dụ như chúng có tác dụng nhất định đối với hạng mục chạy nước rút 100 mét, nhưng có thể không có tác dụng gì đối với cuộc đua kéo dài trong vài giờ.


Sau đây là tóm tắt về một số chất bổ sung thể thao. Nói chung, những chất bổ sung này đã được nghiên cứu là có hiệu quả, an toàn và có thể được sử dụng bởi các vận động viên bơi lội, đạp xe và chạy bộ. Nhưng trước khi thử các chất bổ sung này hoặc bất kỳ thực phẩm chức năng nào khác, bạn nên trò chuyện với cố vấn sức khỏe của mình. Nếu bạn mắc phải bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hoặc đang phải điều trị một số bệnh lý khác thì đây có thể là lý do tại sao bạn không nên sử dụng các chất bổ sung thể thao, vì các loại thực phẩm này vẫn tồn tại một số tác dụng phụ. Bạn cũng nên thử sử dụng một số chất bổ sung mà bạn muốn khi thi đấu trong quá trình luyện tập. 


Caffeine 

Caffeine được cho là chất bổ sung thể thao được các vận động viên sử dụng phổ biến nhất. Mặc dù uống một tách cà phê nghe không giống như gian lận, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế đã xác định rằng một lượng đủ nhiều caffeine sẽ gây ra thành tích cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy caffeine với liều lượng cao bị cấm. Tuy nhiên, tại thời điểm bài báo này được viết, Ủy ban Olympic Quốc tế đang xem xét lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng caffeine ở mọi cấp độ. (Chú thích: Vui lòng tham khảo Tổ chức Chống ma túy Thế giới www.wada-ama.org để biết danh sách và lệnh cấm ma túy liên quan.)

Trong hai thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu khoa học về hiệu quả của caffeine đã có những kết quả trái ngược nhau. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine có lợi cho sức bền của vận động viên trong các hạng mục thi đấu đường dài. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Anh cho thấy caffeine không có tác dụng đối với người chạy marathon mà lại có ảnh hưởng đáng kể đối với người chạy ở cự ly 1600 mét. Hầu hết các nghiên cứu cho rằng caffeine chỉ mang lại hiệu quả trong các cuộc đua kéo dài hơn 90 phút, nhưng cũng có những nghiên cứu khác cho thấy rằng caffeine có thể cải thiện hiệu suất thi đấu ở những cuộc đua kéo dài 45 phút hoặc thậm chí 60 phút.


(Nguồn ảnh: 123RF)

Tác giả của một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng caffeine có thể gây ra những thay đổi hóa học phức tạp trong cơ bắp, có thể kích thích cơ co bóp mạnh hơn trong thời gian dài hơn so với những người không sử dụng caffeine. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng vai trò của caffeine trong các môn thể thao đòi hỏi sức bền chỉ là để tiết kiệm việc sử dụng glycogen trong cơ. Glycogen là nguồn năng lượng dự trữ của cơ bắp, khi lượng glycogen thấp, các vận động viên sẽ buộc phải chạy chậm hoặc dừng lại. Bất kỳ chất nào có thể giúp cơ thể bảo tồn nguồn năng lượng quý giá này, chẳng hạn như caffeine, đều có thể cho phép các vận động viên duy trì thời gian lâu hơn với tốc độ nhanh hơn. Ví dụ, một báo cáo nghiên cứu về những VĐV đi xe đạp đã chỉ ra rằng uống hai tách cà phê một giờ trước khi kiểm tra có thể trì hoãn tình trạng kiệt sức lên đến 20%. Hiệu quả cao nhất có thể đạt được khoảng một giờ sau khi uống, và hiệu quả dường như kéo dài từ ba đến năm giờ.

Lệnh cấm của Ủy ban Olympic Quốc tế đối với caffeine là khoảng sáu đến tám tách cà phê 150 ml trong một giờ, tùy thuộc vào cơ địa của vận động viên. Mặc dù lượng cafeine từ 6-8 tách được xem là tương đối nhiều nhưng đối với một số người thì họ vẫn có thể làm được điều đó. Điều thú vị là một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu lượng caffeine nạp vào cơ thể vượt quá quy định, nó sẽ thực sự gây ảnh hưởng xấu đến thành tích thể thao.

Hầu hết các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ 3,1-6,2 mg caffeine trên 1kg cơ thể một giờ trước khi tập thể dục sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho hầu hết các vận động viên cần sức bền. Đối với một người 70 kg, liều lượng này tương đương với 2-3 cốc cà phê. Nhiều tuyển thủ cũng ngầm sử dụng các sản phẩm có hàm lượng caffeine cao trước và trong khi thi đấu. Bảng 16.6 liệt kê hàm lượng caffeine của các sản phẩm thông thường.

Mặc dù caffeine có vẻ là một chất bổ sung an toàn và hiệu quả, nhưng hãy lưu ý những biến chứng có thể đi kèm. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine có tác dụng lợi tiểu đối với những người không tập thể dục. Tuy nhiên, một nghiên cứu với đối tượng thí nghiệm là các vận động viên đã cho thấy rằng lượng nước mất đi khi tập luyện chỉ tăng nhẹ sau khi sử dụng caffeine. Đối với những người không có thói quen sử dụng caffeine, nó có thể gây ra lo lắng, run cơ, co thắt đường tiêu hóa, tiêu chảy, chóng mặt hoặc buồn nôn, đây không phải là những gì người chơi hy vọng sẽ phải trải nghiệm trước trận đấu. Caffeine cũng ức chế sự hấp thụ vitamin B1 (hoặc thiamine). Vitamin B1 là một loại vitamin cần thiết cho quá trình chuyển hóa carbohydrate. Ngoài ra, caffeine cũng cản trở sự hấp thu một số khoáng chất như canxi và sắt.

Nếu bạn đã hình thành thói quen uống cà phê vào buổi sáng, uống một hoặc hai cốc trước trận đấu có thể không mang lại bất kỳ tác dụng phụ nào cho bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của caffeine không khác nhau đối với người uống và không uống cà phê. Nhưng nếu thường không uống cà phê và bạn đang cân nhắc uống một ít trước trận đấu, bạn nên thử một vài lần trước khi tập để xem nó ảnh hưởng đến bạn như thế nào. 


Chuỗi Axit Amin (BCAA) 

Trong các bài tập cường độ cao hoặc kéo dài hơn 3 giờ, cơ thể sẽ chuyển sang sử dụng protein làm nguồn năng lượng. Do đó, trong các bài tập sức bền, protein sẽ cung cấp khoảng 10% năng lượng. Có 3 loại axit amin thiết yếu chiếm 1/3 thành phần protein cơ bắp, tất cả các loại axit amin này đều phải được lấy từ thực phẩm bên ngoài và cơ thể con người không thể tự tổng hợp được, bao gồm Leucine, Isoleucine và Valine. Nói chung, chúng được gọi là axit amin chuỗi nhánh (BCAA - Branched chain amino acid).

BCAA là một trong những chất bổ sung thể thao phổ biến nhất, có sẵn ở dạng viên ngậm, dạng bột và thậm chí chế biến sẵn trong đồ uống (nguồn ảnh: 123RF)

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung BCAA trong chế độ ăn uống có thể cải thiện hiệu suất sức bền do:

  • Sau khi tập luyện và thi đấu mệt mỏi, BCAA giúp duy trì hệ thống miễn dịch, đồng thời giảm nguy cơ tập luyện quá sức. Vì vậy nó có đặc tính thúc đẩy quá trình phục hồi.
  • BCAA đã được chỉ ra rằng có thể duy trì khối lượng cơ bắp, sức bùng nổ và sức bền trong các hoạt động sức bền kéo dài nhiều ngày, chẳng hạn như đạp xe trong các cuộc đua nhiều điểm dừng.
  • BCAA có thể làm giảm sự mệt mỏi của hệ thần kinh trung ương, vì vậy tốc độ của quãng đường phía sau trong khi thi đấu có thể được duy trì.
  • BCAA có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo để tiết kiệm glycogen.

Viên nang BCAA được bán tại các cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc bán thực phẩm chức năng. Loại sản phẩm này nên được đóng gói trong các loại chai lọ có màu tối để bảo vệ viên nang khỏi ánh sáng. Đồng thời, mỗi axit amin trên nhãn nên được đánh dấu "L", chẳng hạn như "L-valine", điều này đảm bảo rằng BCAA bạn mua có thể được cơ thể hấp thụ hoàn toàn.

Bốn thời điểm sử dụng BCAA trong một mùa giải: (1) Giai đoạn sức mạnh cơ bắp tối đa (MS), (2) Tiến triển và thời kỳ đỉnh cao, (3) Thi đấu cường độ cao trong thời gian dài, (4) Tập luyện cường độ cao ở nơi cao hơn mực nước biển. Sau đây là cách bổ sung BCAA:

  • Bổ sung hàng ngày 78 mg BCAA cho mỗi kg cân nặng cơ thể, nhưng chỉ trong khoảng thời gian được liệt kê ở trên. Một vận động viên 68 kg cần khoảng 5.300 mg hoặc khoảng 5 gram mỗi ngày; một người 54 kg cần khoảng 4.200 mg hoặc khoảng 4 gram mỗi ngày.
  • Dùng một nửa liều hàng ngày 1-2 giờ trước các bài tập trong giai đoạn sức mạnh tối đa (MS), và trong giai đoạn tiến triển và thời kỳ đỉnh cao, hoặc trước khi thi đấu cấp độ A. Sau đó sử dụng nửa phần còn lại 1–2 giờ trước khi đi ngủ trong cùng ngày.

Tác dụng phụ tiềm ẩn duy nhất khi bổ sung BCAA là sự mất cân bằng trong việc hấp thụ các axit amin. Khi chúng ta ăn thịt, tất cả các axit amin đều được tiêu thụ theo đúng tỷ lệ. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều axit amin có thể cản trở sự cân bằng giữa chúng. Một số nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng lo lắng rằng điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.


Creatine

Creatine chỉ mới gia nhập hàng ngũ các chất bổ sung thể thao gần đây và được sử dụng lần đầu cho mục đích thể thao vào năm 1993. Kể từ đó, số lượng các nghiên cứu về creatine không ngừng tăng lên, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.

Creatine là một chất được tìm thấy trong trong các thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, cá và được cơ thể sản xuất ở gan, thận và tuyến tụy. Nó tồn tại dưới dạng Creatine phosphate trong mô cơ. Creatine phosphate là một nguồn năng lượng chủ yếu được sử dụng ở mức công suất tối đa trong khoảng 15 giây và được sử dụng ở công suất vật lý với cường độ hơi yếu hơn mức tối đa và kéo dài trong vài phút.

Lượng creatine tự tổng hợp trong cơ thể không đủ để thúc đẩy thành tích thể thao vượt trội, nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng sau vài ngày bổ sung creatine trong chế độ ăn uống, một số loại hình thể thao sẽ được nâng cao. Để có đủ creatine từ chế độ ăn uống, các vận động viên phải ăn khoảng 2,25 kg thịt hoặc cá nấu mềm mỗi ngày. Sử dụng chất bổ sung để tăng lượng dự trữ creatine trong cơ thể dường như hiệu quả hơn nhiều.


Creatine giúp tăng hiệu suất hoạt động thể thao ở cường độ cao (nguồn ảnh: 123RF)

Một vài năm trước, các nhà khoa học Thụy Điển, Anh Quốc và Estonia đã cố gắng tiến hành các thí nghiệm bổ sung creatine trên một nhóm người chạy bộ. Họ sử dụng khoảng thời gian nỗ lực tối đa 4.000 mét để kiểm tra người chạy (khoảng cách 1.000 mét mỗi lần). Đầu tiên họ thu dữ liệu cơ bản chưa bổ sung creatine, sau đó là dữ liệu sau khi bổ sung creatine trong một khoảng thời gian. Những đối tượng được bổ sung creatine có thành tích rút ngắn 17 giây trong tổng thời gian trung bình ở cự ly 4.000 mét, trong khi nhóm kiểm soát giả dược chậm hơn một giây. Khi quá trình luyện tập, những VĐV được bổ sung creatine nhận thấy rằng lợi thế tương đối của họ dần dần tăng lên. Nói cách khác, họ ít cảm thấy mệt mỏi hơn vào cuối buổi tập và chạy nhanh hơn.

Cho đến hiện nay, vẫn còn nhiều điều chưa biết về việc bổ sung creatine, nhưng lợi ích lớn nhất có thể đạt được là tối đa hóa lợi ích của các bài tập ngắn, chẳng hạn như bài tập ngắt quãng và bài tập leo núi. Một số người dùng cho rằng creatine có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là do tăng cân do bị phù trước đó và giảm cân sau khi thải nước, trên thực tế khối lượng chất béo là như nhau. Điều này có thể gây ra một số sai sót trong kết quả đo lượng mỡ của cơ thể. Ngoài ra, creatine không được sử dụng trực tiếp để xây dựng mô cơ mà được sử dụng như một nguồn năng lượng, cho phép sắp xếp nhiều bài tập bùng nổ hơn trong quá trình luyện tập, từ đó kích thích sự phát triển của các cơ một cách nhanh hơn. 


Nguồn bài viết: Running Biji